Chưa bao giờ thị trường tài chính lại có nhiều loại hình, trào lưu dựa trên nền tảng công nghệ trực tuyến như hiện nay, trong đó phải kể tới các hoạt động như: “đào” tiền ảo, cho vay ngang hàng (P2P Lending)...
Sau tiền ảo Bitcoin, thời gian gần đây, một loại tiền ảo mới có tên Pi đang thu hút rất nhiều người tham gia “đào”. Theo hướng dẫn, những người muốn tham gia kiếm tiền Pi chỉ cần cài ứng dụng vào điện thoại thông minh, tạo tài khoản, đăng nhập và mỗi ngày đều đặn vào ứng dụng bấm nút là xong.
Việc “đào” tiền ảo sẽ do hệ thống và ứng dụng đảm nhiệm. Người dùng không phải tốn bất kỳ chi phí nào thêm, thậm chí các hoạt động khác trên điện thoại cũng không bị ảnh hưởng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc “đào” tiền ảo chưa biết hiệu quả đến với người “đào” như thế nào nhưng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo mật như: người dùng bị thu thập, đánh cắp các thông tin riêng tư, nhạy cảm.
Hơn thế nữa, các loại tiền ảo như: Bitcoin, Pi… hiện không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do đó, người dùng cần thận trọng, tìm hiểu thật kỹ những lời mời “mật ngọt” đến mức phi thực tế từ một số trào lưu đào tiền “ảo” này.
Một ứng dụng khác trên nền tảng công nghệ cao cũng khá phổ biến trong thời gian qua đó là hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đây là mô hình kinh doanh mới được thiết kế, xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không cần thông qua trung gian tài chính.
Nhiều sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được nhiều công ty về dịch vụ tài chính vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn, khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay.
Bên cạnh những lợi ích xã hội mà hoạt động P2P Lending mang lại cũng đặt ra thách thức lớn cho công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trên thực tế, có trường hợp quảng cáo, cho vay tiền trực tuyến thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động (app), mạng xã hội… với lãi suất cao trái quy định, tiềm ẩn nguy cơ về “tín dụng đen”.
Sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, mạng xã hội nói chung và sự đa dạng của các loại hình, dịch vụ tài chính trực tuyến nói riêng đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm có khung pháp lý hoàn chỉnh, cụ thể để quản lý, điều chỉnh một cách phù hợp, nhất là các biện pháp chế tài, xử lý những vi phạm, biến tướng liên quan…
Ở góc độ người dùng, để hạn chế rủi ro khi tham gia, sử dụng các loại hình, dịch vụ tài chính trực tuyến, người dân cần thực sự cảnh giác với những trào lưu về tiền ảo; tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, lãi suất, các quy định lãi, phí đối với các loại hình huy động trực tuyến, vay vốn ngang hàng…
Bởi trên thực tế “không có bữa trưa nào là miễn phí”, không có lợi ích hay cơ hội nào từ các loại hình, ứng dụng nói trên mà lại không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào.