Với số vay ban đầu chỉ 100 triệu, sau một vài tháng, chị P.N.H (Ba Đình, Hà Nội) đã phải gánh số nợ cả gốc lẫn lãi là 270 triệu. Con số đã trở nên quá lớn và không đủ khả năng chi trả, cả gia đình chị H. từ chồng, bố mẹ chồng, ngay đến cả đứa con trai lớn cũng bị khủng bố trên điện thoại để… đòi nợ.
Suýt bỏ vợ vì vay qua... app
Vốn không phải là người giỏi tính toán, nhưng chị H. vẫn có nguyện vọng được kiếm tiền phụ giúp chồng, thêm thắt tiền để chi tiêu, mua sắm. Nghĩ thế nên chị H. đã giấu chồng, trộm điện thoại, chứng minh thư của chồng, bố mẹ chồng, con trai lớn… để thực hiện việc vay qua app. Nghĩ đơn giản, với 5 – 10 triệu/app thì số tiền sẽ không lớn và dễ trả, nên ban đầu chị H. vay chỉ 3, 4 app với số tiền 30, 40 triệu đồng.
Với lãi suất theo ngày, 400 nghìn/ngày/10 triệu đồng, ban đầu do không dùng hết số tiền đã vay chị H. dễ dàng trả được lãi của số tiền đã vay. Thế nhưng càng ngày, khi mà số tiền chị còn càng ít đi mà số lãi vẫn nguyên như ban đầu, chị mới tá hỏa xoay mọi cách để kiếm tiền thanh toán lãi. Thời buổi khó khăn, kiếm được đồng tiền không dễ, vay mượn bạn bè cũng hạn chế, chị H. tiếp tục vay thêm vài app khác để có tiền trả lãi những app đã mượn ban đầu. Cứ vậy, cho đến khi chồng phát hiện thì chị H. đã thực hiện vay tới… 10 app.
Anh N.N.K, chồng chị H. cho biết, ban đầu anh và gia đình không biết gì, cho đến khi cả nhà mới tá hỏa khi từ anh, bố mẹ anh, cho đến cả đứa con trai lớn đều nhận được những cuộc gọi đe dọa… đòi tiền. Truy mãi mới ra, số tiền đó hoàn toàn do chị H. giấu diếm mọi người vay mượn.
“Con số ban đầu chỉ là 100 triệu, với số lãi 1 ngày phải trả là 4 triệu. Nếu 1 ngày không trả đủ lãi, số gốc ban đầu không còn là 100 triệu nữa mà sẽ là 104 triệu, lãi suất ngày hôm sau phải trả sẽ trên con số 104 triệu… Và số tiền gốc lãi cứ thế mà cộng dồn, mà nhân lên.” Anh K. nói.
Từ con số 100 triệu ban đầu, đến lúc gia đình biết số tiền phải trả đã lên 270 triệu. “Bất nhân một cái, những người cho vay qua app không đơn giản chỉ đòi người vay, mà căn cứ vào số điện thoại và những số điện thoại đối chiếu khi khai app mà họ “nã”. Không lịch sự, nhã nhặn mà họ dùng đủ thứ lời chợ búa, đe dọa, sỉ nhục với mọi người trong gia đình tôi. Ác hơn, họ còn ghép ảnh với những lời đại loại như “lừa đảo”, “chiếm đoạt tài sản”… rồi gửi cho mọi bạn bè, người thân của tôi.” Anh K. cho biết.
Ngay sau khi biết chuyện, vì quá giận anh K. đã đuổi chị H. về nhà bố mẹ đẻ, tuy nhiên vì thương con, ngay sau đó anh lại đón chị về. “Lương công chức ba cọc ba đồng, bỗng dưng ôm một đống nợ. Nếu không vì mấy đứa con chắc tôi không thể sống được vì uất ức.” Anh nói.
Câu chuyện của gia đình anh K. không phải chuyện duy nhất, cũng chưa phải câu chuyện buồn nhất liên quan đến việc vay qua app. Trong năm 2020, có ít nhất 3 vụ việc đau lòng liên quan đến vấn đề này. Đơn cử, tháng 5-2020, một giảng viên cao đẳng tại Cần Thơ tự tử do vay tiền qua app, cũng trong tháng này một phụ nữ tại Tiền Giang tự từ vì vay 8 triệu đồng qua app; tháng 7-2020, một người đàn ông tại Thành phố Hồ Chí Minh tự tự do bị áp tín dụng truy sát…
Vay qua app là một cái bẫy
Lý giải về việc vay qua app mặc dù lãi suất rất “khủng”, nhưng vẫn có nhiều người lún vào vấn nạn này, các chuyên gia cho rằng, bởi việc vay qua app rất nhanh và đơn giản. Theo đó, về thủ tục thì chỉ cần gõ từ khóa “vay trực tuyến” hoặc “vay qua app” thì lập tức sẽ hiện lên hàng loạt các địa chỉ cho vay. Đặc điểm của loại hình cho vay này là đơn giản, nhanh chóng, không cần gặp mặt và không cần thế chấp tài sản.
Người vay chỉ cần gửi ảnh chụp khuôn mặt, chụp chứng minh thư nhân dân, cung cấp số tài khoản ngân hàng và đặc biệt là phải chấp thuận điều kiện là cho các app này được truy cập vào danh bạ điện thoại.
Khi người vay chấp thuận các điều kiện này thì chỉ sau 10 phút tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay.
Đặc điểm của loại hình cho vay này là số tiền cho vay nhỏ và thời gian cho vay ngắn, khoảng một tuần. Tuy nhiên trên thực tế, người vay chỉ nhận được 2/3 số tiền trên hợp đồng vay, 1/3 còn lại người vay giữ để trừ vào tiền lãi và tiền phí các loại dịch vụ.
Hết một tuần, nếu người vay không trả được nợ thì nhân viên của các app sẽ tiếp tục giới thiệu các app mới để người vay tiếp tục vay của app sau để trả cho app trước.
Với kiểu vay này, trên thực tế đã có hàng chục nghìn người dính bẫy tín dụng đen kiểu này với số nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, mặc dù ban đầu chỉ vay vài triệu để tiêu dùng. Như tình huống chị H. là một ví dụ.
Nói về vấn đề này, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, các đối tượng đứng sau loại hình này tương đối hiểu rõ luật, nên có rất nhiều cách để “lách luật”.
Theo quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự, một trong những yếu tố cấu thành của Tội cho vay nặng lãi đó là phải vượt mức trần mà lãi suất pháp luật quy định. Tuy nhiên với cách vay qua app, lãi suất luôn để ở dưới mức trần pháp luật quy định, còn lại là dồn vào tiền phí và tiền phạt vi phạm.
Để giải quyết vấn nạn này, theo ý bà Thủy ngoài việc kiến nghị Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để người dân chủ động phòng, tránh, nên chăng Ngân hàng nhà nước nghiên cứu để có các khoản vay nhỏ, với thủ tục xét duyệt vay nhanh chóng, thuận lợi để giúp cho những người dân có nhu cầu tiếp cận được với các khoản tín dụng này.
Theo Báo PL&XH (11/3/2021)
Tags
Tin Tài Chính